Tháng trước mình có viết 1 bài mẫu cho đề thi thật Writing Task 2 (xem hình bên dưới). Bài viết này mình viết rất nhanh trong 15 phút thôi và không kịp trau chuốt thêm, nên có lẽ chưa đạt đến band 8.0, nhưng chắc chắn không dưới band 7.5. Vậy, lý do vì đâu một bài viết đọc thì rất đơn giản, nhưng lại có thể đạt điểm cao đến vậy? Hãy cùng mình phân tích nhé.
Mình sẽ phân tích theo 4 tiêu chí đánh giá của IELTS: Task Response, Coherence & Cohesion, Lexical Resources và Grammar.
1. LEXICAL RESOURCES (VOCABULARY)
Trước hết là tiêu chí từ vựng. Nhiều bạn nghĩ rằng cần sử dụng nhiều từ khó thì bài viết mới đạt điểm cao, điều này không chính xác. Để đạt điểm tốt tiêu chí này, bạn cần làm 2 việc:
+ Dùng từ vựng đa dạng (đa dạng không có nghĩa là từ khó nhé)
+ Dùng từ 1 cách chính xác (không sai các lỗi dùng từ)
Như vậy có nghĩa, nếu bạn dùng 1 từ khó, nhưng dùng sai cách, thì bạn vẫn bị mất điểm.
Trong bài viết mẫu của mình, tuy không có những từ vựng khó, nhưng mình cũng dùng một số từ vựng khá đa dạng liên quan đến chủ đề của bài (invention/creation/development, indispensable/crucial/useful/important/vital, conduct, electric cars, environmentally friendly, release harmful gas…)
Quan trọng hơn, mình dùng từ vựng một cách chính xác và hầu như không sai lỗi dùng từ, cụ thể với các tiêu chí sau:
– Không sai lỗi số ít/số nhiều hay đếm được/không đếm được: data không thêm s, knowledge không đếm được nên cũng không thêm s, tương tự là attention…
– Sử dụng đúng dạng của từ (danh từ/động từ/tính từ/trạng từ) trong từng trường hợp: easily find – động từ đi với trạng từ, incredibly useful / environmentally friendly – tính từ đi với trạng từ…
– Sử dụng đúng thì chủ động/bị động: data can be stored on computers (bị động), meetings can be conducted (bị động), receive attention (receive là chủ động, rất rất nhiều bạn nhầm là bị động)…
– Sử dụng đúng giới từ: on computers chứ không phải in, run on electricity chứ không phải by, release gas into the atmosphere chứ không phải to…
– Dùng từ đúng cách: assist people in learning chứ không phải to learn, helps to improve chứ không phải helps improving, do business chứ không phải make business…
– Sử dụng đúng collocations (các từ thường đi với nhau): indispensable part, incredibly useful, significantly reduces…
Các bạn thấy chưa, để sử dụng từ vựng một cách chính xác và không mắc lỗi là rất khó và đòi hỏi bạn tra cứu kỹ từng từ trước khi sử dụng trong bài viết. Vì vậy, mình luôn khuyên các bạn hãy học kỹ lại cách dùng đúng cho các từ bạn đã biết, chứ đừng đi học thêm nhiều từ mới.
2. GRAMMAR
Với tiêu chí Grammar, cũng có hai thứ cần làm để đạt điểm tốt:
+ Dùng các cấu trúc ngữ pháp đa dạng (không có nghĩa là cấu trúc khó nhé!)
+ Tránh lỗi sai ngữ pháp
Trong bài viết của mình, mình đã dùng được đủ các cấu trúc ngữ pháp đa dạng. Cái này thì dễ thôi, bạn chỉ cần dùng đủ các cấu trúc sau:
– Câu đơn
– Câu ghép và câu phức (câu có 2 mệnh đề, nối giữa bởi các từ nối and/while/because/since/as/which…). Cái này trong bài mình sử dụng khá nhiều, các bạn có thể đọc lại.
– Mệnh đề quan hệ: computers help people who live far away from each other to interact easily, the first one that should be mentioned is…, the development of electric cars which are environmentally friendly…
Chỉ cần 1 vài cấu trúc đa dạng như trên là đạt yêu cầu, bạn không cần sử dụng những cấu trúc ngữ pháp khó và phức tạp hơn.
Thay vào đó, hãy cố gắng tránh tối đa các lỗi ngữ pháp, đặc biệt là các lỗi ngữ pháp cơ bản! Đây là vấn đề chính mà 99% các bạn học sinh đều mắc phải. Các bạn viết sai ngữ pháp, thậm chí sai rất nhiều trong bài, mặc dù hầu hết đều là những lỗi sai cực cơ bản như:
– Lỗi chia động từ số ít/số nhiều
– Lỗi không rõ chủ ngữ/vị ngữ trong câu
– Lỗi thiếu từ nối trong 1 câu có nhiều hơn 1 mệnh đề
– Lỗi sai do cố gắng sử dụng các cấu trúc phức tạp hơn (mệnh đề quan hệ, câu điều kiện…) nhưng dùng không chính xác
…
Trong bài viết của mình hầu như không có lỗi sai ngữ pháp nào, đó là lý do giúp bài viết đạt điểm tốt.
3. TASK RESPONSE
Ở tiêu chí này, bài viết cần trả lời tốt câu hỏi của đề bài. Nghĩa là như thế nào?
+ Bài viết cần rõ ràng, dễ theo dõi: Như các bạn có thể thấy, bài mẫu của mình được trình bày tương đối rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu. Người đọc khi đọc bài viết có thể nắm được ý mình muốn nói, hiểu được các quan điểm và luận điểm mà mình đưa ra.
+ Mỗi idea trong bài cần được support đủ và tốt: Với từng idea, mình luôn đưa thêm ra những ý khai triển để giúp nhấn mạnh, hỗ trợ cho idea được tốt hơn (giải thích rõ hơn / nêu ví dụ / nêu thêm kết quả…). Mình sẽ đi vào phân tích kỹ từng idea để các bạn hiểu được:
– Body 1, idea 1: Mình đưa ra idea là “máy tính lưu trữ nhiều thông tin”. Để khai triển, mình nêu thêm kết quả “giúp người ta nghiên cứu, dạy và học hiệu quả hơn” để nhấn mạnh thêm lợi ích của máy tính, và đưa ví dụ cụ thể “sinh viên có thể tìm các bài nghiên cứu cũ” để minh họa và giúp idea dễ hiểu.
– Body 1, idea 2: Mình đưa ra idea “máy tính giúp kết nối những người ở xa nhau” và khai triển bằng một ví dụ rất cụ thể “các công ty từ các quốc gia có thể cùng hợp tác với các cuộc họp qua video”. Ví dụ càng cụ thể sẽ giúp idea càng rõ ràng và dễ hiểu.
– Body 2, idea 1: Mình đưa idea “điện thoại thông minh là rất hữu ích”, và giải thích rõ hơn “con người có thể gửi email hoặc đọc báo chỉ bằng một thiết bị trong túi quần”
– Body 2, idea 2: Mình đưa idea “xe điện cũng là một phát minh đáng chú ý”. Để giúp idea thuyết phục hơn, mình giải thích “xe chạy bằng điện nên không phát thải ra môi trường, vì vậy giảm ô nhiễm và cải thiện sức khỏe con người”.
Các bạn thấy đấy, để đạt điểm cao tiêu chí này, với mỗi idea đưa ra, mình đều cần viết thêm các ý khai triển để hỗ trợ, nhấn mạnh, làm cho idea dễ hiểu, rõ ràng và thuyết phục hơn.
4. COHERENCE & COHESION
Tiêu chí này thì đơn giản hơn, nó đề cập đến việc “sắp xếp và liên kết các ý trong bài một cách logic, mạch lạc”. Mình đã làm được một số điều sau:
+ Sắp xếp ý hợp lý. Mình thường sắp xếp theo thứ tự nguyên nhân trước, kết quả sau để bài viết đi theo một mạch, giúp người đọc theo dõi dễ hơn. Các ý nêu ví dụ cũng được mình đặt ngay sau ý chính để giúp làm rõ hơn ý chính.
+ Liên kết tốt giữa các ý. Cái này mình chỉ cần sử dụng từ nối để liên kết các câu và các ý với nhau là ok. Trong bài mình đã sử dụng khá nhiều từ nối như thế này: Firstly/Secondly, The first one that should be mentioned is…/Additionally, which assists people…, This helps to…, For instance/For example, which allows…, as, In conclusion, On the one hand/On the other hand…
Như vậy, đó là những lý do vì sao một bài viết đơn giản như của mình lại có thể đạt band điểm cao đến vậy. Tưởng là đơn giản nhưng thực ra cũng không đơn giản lắm phải không. Các bạn hãy ghi nhớ những tiêu chí này và cố gắng áp dụng vào các bài luyện tập viết, chắc chắn sau một thời gian điểm viết của các bạn sẽ dần được cải thiện. Chúc các bạn thành công!